Làm sao để tập thói quen dậy sớm? Không ít người gặp khó khăn với việc dậy sớm. Họ cảm thấy uể oải và liên tục than vãn: “Tôi mệt quá”. Thế nhưng, dậy sớm sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn là ngủ nướng và dậy muộn. Hãy tập cho mình những thói quen tốt để có thể dậy sớm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người dậy sớm thường lạc quan và chủ động hơn. Họ…
Làm sao để tập thói quen dậy sớm? Không ít người gặp khó khăn với việc dậy sớm. Họ cảm thấy uể oải và liên tục than vãn: “Tôi mệt quá”. Thế nhưng, dậy sớm sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn là ngủ nướng và dậy muộn. Hãy tập cho mình những thói quen tốt để có thể dậy sớm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người dậy sớm thường lạc quan và chủ động hơn. Họ chăm chỉ, có trí nhớ và kết quả tốt hơn ở trường học. Họ ít có nguy cơ bị stress, thừa cân và trầm cảm. Hơn thế nữa, hầu hết các cơ quan bắt đầu làm việc vào 8-9 h chứ không phải 12h đêm. Vậy làm thế nào để không dậy muộn?
Làm sao để tập thói quen dậy sớm?
Làm sao để dậy sớm? Vì sao nên dậy sớm? Tập thói quen dậy sớm mang lại cho bạn nhiều lợi ích không ngờ: Gần đây, một người bạn có thắc mắc về thói quen thức dậy lúc 4 giờ 30 sáng mỗi ngày của tôi. Cô ấy đề nghị tôi viết về lợi ích của việc dậy sớm. Tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất hay. Đầu tiên, nếu bạn là một cú đêm và việc thức khuya dậy trễ không ảnh hưởng gì đến nền nếp sinh hoạt hay công việc của bạn thì rất tốt, bạn chẳng cần phải thay đổi gì cả. Nhưng với tôi, chuyển từ cú đêm sang gà gáy là một trải nghiệm đáng giá và từ đó tới nay, tôi không bao giờ muốn quay lại tình trạng cú đêm nữa. Để tôi kể cho bạn nghe 10 lợi ích của thói quen dậy sớm này.
Bạn có thể thay đổi từ từ chứ đừng quá ép buộc bản thân. Bạn có thể tập dậy sớm hơn bình thường 15 – 30 phút. Một vài ngày sau khi đã quen, bạn lại dậy sớm hơn 15 phút nữa. Cứ như vậy cho đến khi bạn đạt được mốc thời gian mong muốn.
Cho phép mình ngủ sớm hơn. Trước đây bạn có thể thức khuya chỉ để xem tivi hoặc lướt web. Nếu tiếp tục thói quen này mà vẫn muốn dậy sớm, bạn sẽ rất mệt mỏi và chẳng chóng thì chày sẽ bỏ cuộc. Vậy hãy tập ngủ sớm, bạn có thể đọc sách trên giường cho dễ ngủ. Nếu đã có một ngày làm việc năng suất, chắc chắn bạn sẽ dễ ngủ hơn.
Hãy sắp xếp một việc gì đó thật quan trọng phải hoàn thành vào buổi sáng. Đây sẽ là động lực giúp bạn dậy sớm.
Dậy sớm sẽ có thưởng. Hãy nghĩ như thế này, nếu bạn buộc bản thân phải dậy sớm, tự nhiên bạn sẽ thấy ác cảm với hành động này. Nhưng nếu bạn biến nó thành một niềm vui, bạn sẽ có nhiều động lực để dậy sớm hơn. Phần thưởng có thể là bạn sẽ có thời gian làm một tách trà hay cà phê, đọc một vài trang sách hoặc được nhấm nháp bữa sáng ngon lành, bổ dưỡng, ngắm mặt trời mọc và ngồi thiền…
Hãy tận dụng khoảng thời gian quý giá này. Đừng lãng phí một giờ dạy sớm để lướt Facebook, trừ khi đó là mục đích của bạn. Tôi thường chuẩn bị thức ăn cho bọn trẻ, tập thể dục, thiền và lên kế hoạch cho ngày mới. Đến 6 giờ 30, tôi đã làm được nhiều hơn hầu hết mọi người trong cả ngày hôm đó.
10 lợi ích tuyệt vời từ thói quen dậy sớm:
1. Chào ngày mới: Tôi thích dậy sớm và chào đón một ngày mới tràn ngập năng lượng. Đức Dalai Lama từng nói: “Mỗi sáng khi thức dậy, hãy cảm thấy may mắn vì bạn vẫn còn sống”. Tôi có cuộc sống quý giá mà rất nhiều người ao ước, tôi sẽ không lãng phí nó. Tôi sẽ sử dụng tất cả năng lượng để phát triển bản thân, mở rộng trái tim để giúp đỡ người khác, tôi sẽ được khai sáng mỗi ngày để luôn suy nghĩ tích cực. Tôi sẽ không nổi giận hay nghĩ xấu về người khác. Tôi sẽ không để ai bị thiệt thòi so với mình. Mỗi ngày thức dậy tôi đều cảm thấy mình may mắn vì còn được sống.
2. Một khởi đầu tuyệt diệu: Trước đây, tôi thường phải bật khỏi giường trong tình trạng hoảng hốt bởi tôi luôn dậy trễ. Tôi hối thúc lũ trẻ vệ sinh và ăn uống, rồi cuống cuồng đưa chúng tới trường và khi mò đến công ty thì đã muộn từ bao giờ. Nhìn tôi nhàu nhĩ, lơ ngơ và nhăn nhó, lúc nào cũng lẹt đẹt sau người khác. Bắt đầu ngày mới như vậy có hay không? Giờ đây tôi đã có những thói quen hoàn toàn mới cho buổi sáng. Vào 6 giờ 30, lũ trẻ đã sẵn sàng và tôi cũng vậy. Lúc mọi người lục tục tới công ty, tôi đã làm xong rất nhiều việc. Theo tôi, chẳng có cách nào tốt hơn để bắt đầu ngày mới bằng việc dậy sớm.
3. Sự tĩnh lặng: Không phải nghe tiếng trẻ con chí chóe hay khóc lóc, không xe cộ khói bụi, không tiếng ồn của tivi. Những giờ đầu tiên của buổi sáng thật yên bình, tĩnh lặng. Đó là thời điểm yêu thích nhất trong ngày khi tôi có thể dành thời gian cho mình để suy nghĩ, đọc và hít thở một chút.
4. Ngắm mặt trời mọc: Những người dậy trễ sẽ bỏ lỡ một trong những kỳ quan của thiên nhiên, đó là hình ảnh mặt trời nhô lên vào buổi sáng sớm. Tôi thích ngắm cảnh ngày mới chậm rãi bừng sáng, khi bóng tối mờ mịt nhường chỗ cho ánh dương tươi trẻ, khi thiên nhiên được tô lên những màu sắc rực rỡ. Tôi thích chạy bộ vào lúc mặt trời mọc. Tôi vừa chạy vừa nhìn lên bầu trời và tự nhủ thầm: “Thật là một ngày huy hoàng”. Tôi thật sự cảm thấy như vậy.
6. Tập thể dục: Tập thể dục sau giờ làm việc cũng tốt, nhưng bạn có thể bỏ lỡ việc tập nếu xuất hiện chuyện gì khác quan trọng hơn, hoặc bị ai đó rủ rê đi ăn uống. Trong khi đó, buổi sáng là của riêng bạn và bạn có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc sức khỏe của mình.
7. Năng suất hơn: Buổi sáng thường là thời điểm tôi hoạt động hiệu quả nhất trong ngày. Khi tâm trí không bị xao lãng, tôi thường viết lách rồi kiểm tra e-mail và đọc qua một vài tin tức cập nhật. Hầu hết những việc khó tôi đều hoàn thành trong buổi sáng. Khi giờ chiều kéo tới, tôi không còn công việc gì phải làm và có thể dành thời gian cho gia đình. Vào giờ chiều, tôi đã rảnh rang hơn nhiều.
8. Thời điểm cho những hoạch định lâu dài: Chẳng có thời điểm nào tốt hơn trong ngày để xem xét lại các kế hoạch,vạch ra những mục tiêu mới hoặc thực hiện những bước tiến mới. Mỗi tuần bạn nên có một mục tiêu. Và mỗi sáng, bạn nên quyết định mình có thể làm một việc gì đó trong hôm nay để tiến tới mục tiêu. Nếu có thể, hãy làm điều đó trước tiên trong ngày.
9. Đi làm sớm: Chẳng ai thích giờ cao điểm, trừ các công ty dầu khí. Đi làm sớm, bạn sẽ tránh được tình trạng kẹt xe căng thẳng, đến chỗ làm sớm hơn, tiết kiệm được thời gian. Bạn thậm chí có thể đi làm bằng xe đạp hay đi bộ.
10. Những cuộc hẹn buổi sớm: Bạn sẽ khó trễ hẹn nếu chịu dậy sớm. Những cuộc hẹn buổi sớm có thể rất quan trọng và việc đến trễ sẽ khiến người khác nghĩ bạn thiếu nỗ lực. Đến đúng giờ hoặc sớm hơn sẽ để lại một dấu ấn tốt. Bạn cũng có nhiều thời gian để chuẩn bị cho mình. Dù là sáng sớm, tôi cũng sẽ hiếm khi trễ hẹn.
Làm sao để không dậy muộn?
Ngủ đủ: Ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm giúp bạn dậy sớm hơn. Lời khuyên chân thành: Hãy bỏ laptop và các thiết bị điện tử khác ra ngoài phòng ngủ.
Kiên trì: Hãy đặt báo thức vào cùng một giờ cho tất cả các ngày, kể cả ngày cuối tuần. Điều này tạo thói quen giúp bạn dễ dậy sớm hơn.
Khởi đầu chậm rãi: Bạn muốn dậy lúc 7h sáng nhưng không thể mở mắt ra cho đến 8h? Trước tiên hãy đặt báo thức vào lúc 7h45, rồi giảm dần 15 phút cho đến khi đạt được mục tiêu.
Đừng ngủ thêm: Ngủ thêm sẽ khiến bạn càng buồn ngủ hơn. Hãy chỉ đặt một báo thức. Nếu như bạn thực sự không yên tâm, sợ mình sẽ ngủ quên, đặt thêm một báo thức nữa cách đó vài phút.
Chọn chuông báo thức vui nhộn: Đừng chọn còi cứu hỏa làm chuông báo thức. Hãy chọn những âm thanh vui vẻ.
Để ánh sáng vào phòng: Một chút ánh sáng sẽ giúp cơ thể bạn tự điều chỉnh đồng hồ sinh học. Hãy mở rèm cửa hoặc đánh răng rửa mặt ở ngoài sân.
Ăn sáng: Bạn không thể xua tan cơn buồn ngủ chỉ với một tách cà phê. Hãy ngồi xuống và ăn một bữa sáng đàng hoàng.
Tập thể dục: Thể dục buổi sáng sẽ khiến bạn tỉnh táo và mang đến năng lượng cho ngày mới.
Tự thưởng: Hãy nâng động lực dậy sớm bằng cách chuẩn bị một bữa sáng thật ngon lành hoặc ngâm bồn sau khi thức dậy.
Tự ép bản thân: Cuối cùng, hãy tự thúc ép bản thân rằng: “Mình phải dậy”. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, chính trong những lúc ngái ngủ, óc sáng tạo sẽ làm việc và đưa cho bạn nhiều ý tưởng mới. Đừng để những sáng kiến này trôi đi lãng phí chỉ vì bạn muốn ngủ nướng.